Ngay sau khi dự báo tình hình chưa thể sớm thông đường, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, các chi nhánh vận tải phối hợp với các đơn vị đường sắt khẩn trương triển khai phương án chuyển tải, không để khách đợi chờ quá lâu, gây bức xúc. Yêu cầu đặt ra là sắp xếp bố trí hợp lý, hành khách lên từng chuyến xe, chuyến tàu an toàn, bảo đảm không sót lọt, không lẫn lộn tư trang hành lý.
|
Hành khách lên xe ô-tô chuyển tải tại ga Đồng Hới. |
Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 6 khiến nước lũ dâng cao, chảy tràn qua làm đường sắt đoạn km587+300- km 589, ga Sa Lung, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bị sạt lở, gây ách tắc. Khu gian Sa Lung-Tiên An bị phong tỏa. Trong thời gian khắc phục chờ thông tuyến, ngành đường sắt phục vụ suất ăn miễn phí và tổ chức chuyển tải gần 2.500 hành khách từ ga Đông Hà (Quảng Trị) ra ga Đồng Hới (Quảng Bình) và ngược lại.
Dưới sự chỉ huy của lãnh đạo Chi nhánh vận tải đường sắt Huế, các ga Đồng Hới, Đông Hà, các trạm vận tải phối hợp nhịp nhàng, bảo đảm chuyển tải trật tự, an toàn. Ngay từ đầu năm, Chi nhánh chủ động liên hệ, ký hợp đồng ghi nhớ với các đơn vị vận tải nên khi xảy ra thiên tai bão lụt, các nhà xe huy động ô tô 45 chỗ loại tốt nhất sẵn sàng phục vụ chuyển tải.
Với 19 năm kinh nghiệm tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường, Trưởng ga Đông Hà Nguyễn Mạnh Hùng trực tiếp điều hành bộ phận chạy tàu đón tiễn tàu, cắt móc toa xe hợp lý tạo điều kiện đưa, đón hành khách lên, xuống tàu đúng theo đoàn tàu chuyển tải, huy động tối đa nhân lực, chỉ đạo toàn thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị phối hợp phục vụ tận tình, chu đáo. Mặc dù mưa to gió lớn, mọi người dầm mưa phục vụ bà con, bảo đảm an toàn. Toàn thể cán bộ, công nhân viên trực tiếp xếp hành lý, đẩy từ tàu vào đến từng xe ô-tô và hướng dẫn hành khách lên đúng xe chuyển tải. Kinh nghiệm nhiều lần chuyển tải cho thấy, để tránh lộn xộn, phương án sắp xếp cụ thể, rõ ràng.
Hành khách từ trên tàu được đưa vào phòng đợi nghỉ ngơi, sau đó nhân viên vận chuyển hành lý từng toa vào sau, tập trung lại để mỗi hành khách tự nhận lại, rồi chuyển lên xe ô-tô chuyển tải. Trời mưa, nhân viên nhiệt tình che ô cho khách, ưu tiên hỗ trợ người già và trẻ nhỏ. Một gia đình có vợ chồng và con nhỏ đi tàu mang theo rất nhiều hành lý, vợ bồng con, chồng vừa bị tai nạn tay đau không thể khuân đồ. Thấy các nhân viên vất vả vận chuyển xe hành lý cồng kềnh chất đầy đồ, không thể phụ giúp, anh e ngại đến giải thích, nhận lại là những lời chia sẻ, an ủi động viên chân tình.
Phương án chuyển tải hành khách bảo đảm nhanh chóng, an toàn. |
Đoàn xe ô-tô chuyển tải được đánh số, tương ứng với thứ tự các toa bảo đảm khách từ tàu lên xe và ngược lại không lẫn lộn, tốn nhiều thời gian. Xe chuyển tải từ Đồng Hới chạy thẳng vào ga Đông Hà, hướng dẫn hành khách lên tàu đúng toa. Tâm lý mệt mỏi, lo lắng, sau khi được trấn an kịp thời, hành khách thấu hiểu, cảm thông vì nguyên nhân khách quan bất khả kháng do thiên tai, ghi nhận sự tận tình, chu đáo giúp đỡ, hỗ trợ của ngành đường sắt. Dù mặc áo mưa người vẫn ướt đẫm, nhưng ai cũng nỗ lực gắng sức với tinh thần “vì hành khách phục vụ”, bảo đảm an toàn, kịp tiến độ. Cùng với sự phối hợp hỗ trợ tích cực của chính quyền, công an địa phương bảo đảm an ninh trật tự, chỉ sau khoảng 5, 6 giờ gián đoạn chuyển tải, hành khách lại tiếp tục hành trình. Suốt ba ngày dầm mưa phục vụ hết sức mình, tuy ngấm mệt nhưng vui vì mọi việc hanh thông. “Mình làm không chỉ vì trách nhiệm công việc mà còn là tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ mọi người lúc khó khăn”, anh Hùng trải lòng.
Chủ động nắm chắc số lượng hành khách các đoàn tàu đi, đến nên phương án chuyển tải được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp, kiểm soát chặt chẽ khách lên và xuống tàu cùng tư trang, hành lý không bị lẫn lộn, thất lạc, bảo đảm an toàn. Tại ga Đồng Hới, khi lượng mưa lớn, nước ngập, thoát chậm nên Trưởng ga Lê Thanh Nam sát sao chỉ đạo tìm cách dồn dịch nhanh nhất, đón tiễn tàu ở đường số 1 để hành khách lên, xuống tàu thuận lợi, không phải lội nước. Phương án phân luồng, điều tiết hành khách lối ra vào hợp lý bảo đảm khách từ xe chuyển tải lên tàu hoặc xuống tàu, lên xe chuyển tải được thuận tiện, nhanh chóng. Khách ở trên tàu, khi có thông báo mới xuống tàu. Phòng đợi nhà ga tối đa 240 chỗ, trong khi lượng khách trên tàu nhiều hơn, phải linh hoạt vận dụng tối đa các phòng làm việc, bàn ghế cơ quan để hành khách ngồi chờ ổn định, nghỉ ngơi thoải mái.
Các cụ già, cháu nhỏ, phụ nữ có thai được đặc biệt quan tâm, ưu tiên xuống tàu trước, bố trí chỗ nghỉ ngơi thoải mái, dễ chịu bảo đảm sức khỏe, có nhân viên hỗ trợ mang giúp hành lý lên xuống tàu, xe. Thành phần các đoàn tàu giống nhau, khách ở toa nào của đoàn tàu xuất phát tiếp tục lên đúng vị trí toa đó ở đoàn tàu đón. Mỗi xe ô tô chuyển tải bố trí một nhân viên đi cùng hỗ trợ, trường hợp khách muốn đi phương tiện khác thì được giải quyết trả vé miễn phí, thủ tục đơn giản, nhanh gọn nhất. Tùy theo tình hình thực tế, số lượng hành khách trên tàu, kế hoạch hai đầu ga, xe trả khách xuống và đón khách lên luôn quay ngược trở lại, hạn chế tối đa thời gian chờ đợi lâu.
Xe khách phục vụ chuyển tải. |
Đoàn tàu này rời đi, đoàn tàu khác lại tới, từ lãnh đạo đến mỗi nhân viên chỉ tranh thủ chợp mắt, ăn vội cho qua bữa để chạy đua kịp tiến độ. Trong tình thế nguy cấp, người đứng đầu các đơn vị nhiệt huyết, xông pha, nói đi đôi với làm chính là mệnh lệnh không lời để cấp dưới không quản ngại lăn xả hết mình. “Miền trung hầu như năm nào cũng xảy ra mưa lũ nên mọi người đã quen với việc chuyển tải, sẵn sàng thường trực, khi có phương án là bộ phận nào vào việc đó theo đúng phân công, phối hợp ăn khớp, nhịp nhàng”, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Lương Xuân Thường chia sẻ. Do huy động tối đa nhân lực vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phân công lực lượng, điều phối hợp lý nên thời gian chuyển tải nhanh nhất giữa hai đầu ga chỉ gần bốn tiếng, 10 đoàn tàu giải thể, 10 đoàn tàu lập ở mỗi ga không có trường hợp nào xảy ra mất mát, thất lạc hành lý, tư trang.